Thông thường, khi lập blog để kiếm tiền trên mạng ai cũng mong muốn trang web của mình hoạt động ổn định, càng ít sự thay đổi về hosting, domain càng tốt, để bạn có thời gian tập trung xuất bản những nội dung hay. Tuy nhiên, vào một ngày giông bão bạn đã quyết định phải chuyển host cho website wordpress của mình càng nhanh càng tốt. Đây thực sự là một công việc bất đắc dĩ, dù không muốn nhưng khi cần thì vẫn phải thực hiện thôi.
I. Vì sao phải chuyển host wordpress
Nếu blog của bạn thường xuyên bị downtime (thời gian website ngừng hoạt động), dù bạn đã gửi yêu cầu bên cung cấp host khắc phục nhưng đâu lại vào đấy, lỗi vẫn cứ lỗi. Bạn có biết, việc website không truy cập được sẽ làm cho trải nghiệm của người dùng ở mức cực tệ, không tốt cho seo một chút nào. Trong trường hợp này, chuyển website wordpress sang nhà cung cấp host khác là việc không nên trì hoãn.
Thỉnh thoảng mọi người vẫn bảo rằng cáp quang dưới đáy biển bị cá mập cắn đứt nên đường truyền internet quốc tế cực chậm. Nếu website của bạn đặt host ở Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu có người truy cập từ Việt Nam (có thể là không thể vào web được luôn). Trước sự cố cáp quang này, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến phương án chuyển host từ Mỹ về Hồng Kông, Singapo hay Việt Nam.
Thêm một lý do khiến bạn muốn chuyển host cho website của mình đó là: Host cũ sắp hết hạn và có một bên cung cấp hosting đang có chương trình giảm giá hấp dẫn. Nếu bên mới này có các gói hosting cấu hình cao – giá rẻ hơn và được nhiều người đánh giá tốt thì tội gì không đăng ký thử 6 tháng hay 1 năm để trải nghiệm chứ.
Nguyên nhân thứ tư, cũng được xuất phát từ bài toán chi phí đầu tư. Đó là bạn vừa mới mua một VPS cấu hình khá ngon, có thể cài lên đó 3-4 website mà vẫn chạy êm ru. Vậy thì tại sao không bỏ host cũ đi, để chuyển host website sang VPS vừa tiết kiệm vừa tiện cho việc quản lý.
II. Yêu cầu khi chuyển host cho WordPress
– Nhanh chóng: Đây là một công việc bất đắc dĩ nên chắc chắn ai cũng muốn thực hiện cho xong càng nhanh càng tốt. Bởi người quản trị blog cần nhiều thời gian để tìm hiểu nhu cầu người dùng, nghiên cứu từ khóa, viết bài hữu ích và quảng bá bài viết đến độc giả…
– Không downtime trang web: Việc chuyển host mà không làm gián đoạn hoạt động của website là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Nếu website của bạn mới phát triển thì đừng để downtime làm người dùng bỏ đi trước khi họ đọc được những bài viết hay nhất trên site.
– Đầy đủ dữ liệu: Việc chuyển host phải đảm bảo giữ nguyên code và dữ liệu website như ban đầu. Vì vậy, sau khi chuyển sang host mới bạn nên kiểm tra thật kĩ xem có bị thiếu bài nào không, có bị mất hình ảnh nào không và kịp thời cần bổ sung nếu thiếu.
Lưu ý: Trước khi chuyển host cho Wordress bạn cần phải:
– Chuẩn bị một gói hosting gắn với tên miền website cần chuyển.
– Ngừng kích hoạt các plugin bảo mật, plugin cache nếu có.
Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký hosting AZDIGI có mã giảm giá ưu đãi
III. 8 bước chuyển host cho website WordPress
Bước 1: Nén code website và tải về máy tính
Đăng nhập vào Cpanel của hosting cũ, vào phần File Manager
Vào thư mục public_html, chọn Select All để chọn tất cả file và thư mục, rồi chọn Compress để nén.
Sau khi nén xong, tải file nén này về máy tính để thực hiện bước 3
Bước 2: Export database và backup trên máy tính
Truy cập vào phần PhpMyAdmin
Chọn cơ sở dữ liệu đang dùng và chọn Xuất (Export), chọn tiếp Thực hiện
Chọn vị trí lưu file sql để thực hiện tiếp trong bước 5 bên dưới.
Bước 3: Upload code lên host và giải nén
Sau khi đăng nhập vào hosting mới, di chuyển đến thư mục public_html, dùng chức năng Upload để tải file nén code lên.
Sau đó, nhấp chọn file nén và nhấn Extract để giải nén file này.
Sau khi quá trình giải nén kết thúc, một cửa sổ báo kết quả mở ra, chọn Close để đóng cửa sổ này
Bước 4: Tạo database, user gắn với database
Quay trở lại trang Home của hosting, chọn MySQL Databases
Thêm một cơ sở dữ liệu mới tại mục Create New Database
Thêm một người dùng mới tại mục Add New User (hãy chọn mật khẩu mạnh)
Gắn user với database trong mục Add User To Database
Trong phần Manage User Privileges, chọn ALL PRIVILEGES (user có tất cả các quyền), rồi chọn Make Changes
Bước 5: Import database trong PHPMyadmin
Mở file sql đã export ở bước 2 bằng WordPad hoặc Notepad++ thêm dòng sau vào đầu tiên, rồi lưu lại:
USE `tên-database-thêm-ở-bước-4`;
Vào phần phpMyAdmin trong trang quản lý host mới
Dùng chức năng Nhập, chọn file sql vừa sửa ở trên để import
Nếu quá trình nhập này thành công, kết quả sẽ được thông báo như hình dưới
Bước 6: Sửa file config.php
Vào thư mục public_html, nhấp chọn file wp-config.php, rồi chọn Edit để sửa thông tin.
Các thông tin cần sửa là 3 thông số kết nối cơ sở dữ liệu (tên database, tên đăng nhập và mật khẩu), ngoài ra nếu dùng plugin Super Cache thì phải sửa lại đường dẫn đến plugin này ở trên host mới.
Bước 7: Trỏ tên miền về host mới
Đăng nhập vào phần quản lý DNS của tên miền và sửa các bản ghi như hình dưới.
Sau khi sửa và lưu các bản ghi, cần chút ít thời gian để tên miền nhận host mới. Bạn có thể kiểm tra xem tên miền đã trỏ về host mới chưa bằng cách vào run gõ dòng lệnh sau và Enter:
ping ten-mien-cua-ban.com -t
Nếu kết quả ping trả về IP của host mới là tên miền đã được trỏ về.
Bước 8: Kích hoạt các plugin bảo mật, cache trở lại
Sau khi hoàn thành các bước trên, nếu truy cập thử vào website thấy kết quả như ý rồi thì đăng nhập vào phần quản trị để bật lại các plugin về cache, plugin bảo mật.
Như vậy, trên đây mình đã hướng dẫn cách chuyển hosting cho website WordPress với 8 bước chi tiết. Tuy nhiên, sau khi chuyển xong, bạn cần test xem trang web có xuất hiện lỗi gì không để tiến hành fix kịp thời. Một số lỗi thường gặp khi chuyển host mới có thể là bài viết mất ảnh đại diện, mất giao thức https hoặc lỗi 404 hay 503…